Vì thế, thiết lập một liên minh chiến lược giữa trường và viện (cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành) là một mục tiêu lớn, đòi hỏi sự đồng lòng, hợp tác và không ngừng sáng tạo từ tất cả các trường đại học, bệnh viện thực hành; giữa các nhà nghiên cứu, giảng dạy, điều trị và nhà quản lý.
Về vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2017/NĐ-CP quy định về đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe. Sau 7 năm thực hiện, nội dung Nghị định 111 có nhiều nội dung bất cập, cần được sửa đổi.
Nhưng vấn đề ở chỗ, ngay cả nhiều nội dung thiết thực trong Nghị định 111 cũng chưa được các trường và các viện triển khai. GS Lê Quang Cường nói:
"Qua chia sẻ của các thầy lãnh đạo các bệnh viện, chúng ta nhận thấy vấn đề nổi cộm là lấy đâu ra kinh phí cho đào tạo thực hành? Các trường thì không có kinh phí, vì không thể thu học phí cao. Các bệnh viện phải tự chủ tài chính, sinh viên vào thực hành lại đông quá, bệnh viện lấy đâu ra tiền mua vật tư tiêu hao cho sinh viên dùng chứ chưa nói đến các khoản chi khác?
Một vấn đề khác là các thầy kêu giờ nhiều trường được mở mã ngành y khoa quá, sinh viên vào bệnh viện đông quá. Như Bệnh viện Chợ Rẫy chẳng hạn, phải nhận sinh viên của 11 trường! Đông quá, rất khó kiểm soát chất lượng.
Thứ ba là sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với cơ sở thực hành chưa sâu sát. Có thầy nói là khi nhận sinh viên đến thực tập, nhiều thầy cô không biết cần phải giảng gì, chương trình cụ thể ra sao".
Chất lượng đào tạo y khoa cần chính sách đặc thù Ông Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, cũng cho rằng một trong những yếu tố cốt lõi làm nên chất lượng hoạt động của ngành y tế là chất lượng nguồn nhân lực. Nói đến chất lượng nguồn nhân lực thì phải nói đến chất lượng đào tạo, trong đó sự liên kết giữa các trường đào tạo ngành y và các bệnh viện thực hành là không thể thiếu.
Sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục và các bệnh viện là yếu tố quyết định để tạo ra môi trường học tập thực tiễn và toàn diện, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp và phát triển nhân lực y tế, góp phần thúc đẩy nghiên cứu y học và ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Theo GS Lê Quang Cường, mấu chốt để giải quyết vấn đề là cần có một môi trường pháp lý phù hợp, theo thông lệ quốc tế, để việc đào tạo một ngành đặc thù như ngành y đạt được kết quả như mong muốn.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Bộ GD-ĐT xác định việc xây dựng một chính sách đặc thù là
vô cùng quan trọng trong vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo y khoa
ẢNH: QUỲNH VÂN
Đại diện Bộ GD-ĐT, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, cũng bày tỏ sự đồng tình với các quan điểm nêu trên: "Chúng ta cũng cần lưu ý tới việc xây dựng một cơ chế đặc thù cho đào tạo thực hành y khoa, để học viên trong ngành y có điều kiện tiếp cận với người bệnh, nâng cao kỹ năng lâm sàng mà vẫn đảm bảo an toàn và chất lượng chăm sóc. Hiện nay, nhiều học viên ngành y và các khối ngành sức khỏe khác gặp khó khăn khi thực hành tại các bệnh viện do vì các em còn là người học, chưa có chứng chỉ hành nghề. Điều này là hợp lý nhưng phần nào cũng giới hạn khả năng được tiếp cận và trực tiếp chăm sóc người bệnh trong môi trường thực tiễn".
"Để khắc phục những trở ngại này, Bộ GD-ĐT xác định rằng việc xây dựng một chính sách đặc thù là vô cùng quan trọng. Chính sách này cần tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp để vừa đảm bảo người học có thể thực hành một cách hiệu quả, vừa không ảnh hưởng đến quyền lợi và an toàn của người bệnh. Để thực hiện thành công điều này, chúng tôi rất cần sự phối hợp từ Bộ Y tế trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy định cụ thể, đặc biệt là trong quản lý và giám sát quá trình thực hành của học viên", bà Thủy nói.
Theo Quý Hiên - quyhientn@gmail.com - Báo Thanh niên.
Link bài viết gốc: https://thanhnien.vn/mot-benh-vien-don-11-truong-sinh-vien-y-khoa-thuc-tap-kieu-gi-185241116195749947.htm